Các giả thuyết Nguồn_gốc_các_dân_tộc_Việt_Nam

Hiện giờ các một số giả thiết được cho là có khả năng dựa trên truyền thuyết cũng như các chứng tích khảo cổ.

Thuyết thứ nhất

Theo một số học giả Pháp: Thuyết này cho rằng người Việt Nam phát tích từ xứ Tây Tạng[2] rồi dọc theo sông Nhị Hà tràn xuống miền trung châu Bắc Việt và phía Bắc xứ Trung Việt ngày nay. Sau những người này theo đà ấy tiến dần về phía Nam. Ngày nay qua nhiều nghiên cứu khảo cổ, khai tích, sử sách cho thấy thuyết này sai lầm[34].

Thuyết thứ hai

Theo học giả người Pháp - Louis Finot (1864-1935): Thuyết này dựa trên kiến thức chung về quá trình giống Indonesian (Cổ Mã Lai) xưa cư trú ở tiểu lục địa Ấn Độ, bị giống Aryan (nay gọi là Indo-European) xâm lấn (hồi 30 - 50 Ka BP), nên phải chạy sang phía đông, trong đó có bán đảo Trung Ấn.

Finot cho rằng tại phía đông bắc bán đảo, giống Indonesian hợp với giống Mongoloid làm thành giống Việt Nam.[35]

Thuyết này đề cập đến nguồn gốc dân tộc Việt từ thời đại đồ đá, từ 7 Ka BP trở về trước, trong quá trình phát tán chung của loài người. Tuy nhiên nó không giải thích được thành tố ngôn ngữ khi "hợp giống", tức là từ vựng cơ bản của "giống Việt Nam" phải chứa một lượng nào đó từ vựng của các giống gốc, nên không được một số học giả tán thành.[36]

Để ý rằng "hợp giống" hay "hòa huyết" là cách duy nhất các nhà cổ nhân chủng trước đây sử dụng để giải thích sự hiện diện của một chủng tộc có các biểu hiện nhân chủng trung gian nằm giữa hai chủng tộc khác trên nền tảng của thuyết nguồn gốc đa vùng của người hiện đại. Ngày nay dựa trên thuyết "một trung tâm từ châu Phi", các chủng tộc tiến hóa theo mô hình cây tiến hóa xác định theo các bằng chứng sinh học phân tử và tiến hóa của ngôn ngữ, mà không cần đến cách giải thích "hợp giống". Vì thế bỏ qua điểm yếu "hợp giống" thì giả thuyết Finot là hợp lý.

Nó được diễn giải là hơn 30 Ka BP các giống Indonesian phát tán từ tiểu lục địa Ấn Độ về phía đông[lower-alpha 8]. Một bộ phận qua Vân Nam lên Trung Quốc như Chu J.Y. đã nêu[17]. Các nhóm Môn-Khmer phát tán đến dải từ nam Myanmar, trung Thái Lan[lower-alpha 7] đến bán đảo Đông Dương, và là tổ tiên của 21 dân tộc thuộc nhóm này tại Trung phần Việt Nam. Một phần nhóm Môn-Khmer phía đông, gồm proto-Khmu và proto-Vietic đã đi xa hơn về phía đông bắc bán đảo Đông Dương, trong đó cư dân proto-Vietic chiếm lĩnh được vùng trung du và đồng bằng Bắc Việt[lower-alpha 9] nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Những thị tộc proto-Vietic chọn hướng phát tán khác, hay trụ lại đâu đó giữa quá trình phát tán, ít phát triển nhưng vượt qua được thời gian và còn tồn tại đến ngày nay, là các dân tộc thiểu số như Nguồn, Chứt, Thaveung (Aheu), Arem, Maleng,... ở dãy núi Trường Sơn và trung & nam Lào.[37]

Thuyết thứ ba

Theo sử sách Trung Hoa, Việt Nam: Giả thuyết được phổ biến rộng rãi nhất nói rằng người Việt Nam xưa gốc ở miền từ hạ lưu sông Dương Tử tới miền bắc Việt Nam, gồm nhiều nhóm cư trú ở các nơi khác nhau mà gọi chung là Bách Việt. Về sau bị người Hoa Hạ tràn xuống xâm lấn lãnh thổ, các nhóm này dần dần bị đồng hóa thành người Hán. Chỉ còn nhóm Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam là còn tồn tại được, chính là tổ tiên của người Việt ngày nay.

Thuyết này đã coi Bách Việt là cư dân bản địa[1], mà không đề cập đến nguồn gốc các dân tộc này từ thời đại đồ đá (7000 TCN) trở về trước.